Nằm trên vùng đất bán sơn địa của xứ Đoài, trong kháng chiến chống Pháp, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội đã sớm trở thành một vùng quê cách mạng. Người dân trong xã kiên trung, bất chấp nguy hiểm nuôi giấu cán bộ gây dựng cơ sở kháng chiến. Ngày nay, Trạch Mỹ Lộc lại đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Cùng với chiều dài lịch sử của dân tộc, nhân dân xã Trạch Mỹ Lộc sớm có tinh thần cách mạng và giàu lòng yêu nước. Ngay từ thời kỳ đầu cách mạng, nhiều thanh niên xã Trạch Mỹ Lộc đã sớm giác ngộ, tham gia vào các tổ chức yêu nước với mục tiêu giải phóng nhân dân khỏi ách thống trị của thực dân, phong kiến. Trong số đó phải kể đến đồng chí Khuất Duy Tiến, nguyên Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính thành phố Hà Nội.
Vào thời điểm trước khi xã Trạch Mỹ Lộc có tổ chức cách mạng, Khuất Duy Tiến đã cùng bạn bè sớm tham gia các phong trào yêu nước do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. 17 tuổi, Khuất Duy Tiến theo học Cao đẳng Thương mại Đông Dương. Vốn là người thông minh, học giỏi nên trong thời gian học ở trường, ông được bạn bè thân mật đặt cho cái tên là “Tiến to đầu”. Sau này, biệt danh ấy đã theo ông suốt cuộc đời, đến mức vào nhà tù thực dân, ông cũng bị kẻ địch gọi là “Tiến to đầu” với một nghĩa khác là “kẻ bày trò”, “kẻ cứng đầu”. Năm 1936, Khuất Duy Tiến được trả tự do và tiếp tục về hoạt động tại Hà Nội. Hai năm sau, với chủ trương cài người vào hoạt động công khai, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đưa ông ra tranh cử Nghị viên thành phố Hà Nội. Năm ấy, Khuất Duy Tiến trúng cử với số phiếu cao, nhưng dường như “đánh hơi” thấy mầm họa, thực dân Pháp đã hủy bỏ kết quả bầu cử và đưa ông về quản thúc tại quê nhà. Chính trong thời gian quản thúc ở làng Thuần Mỹ, nhờ uy tín của ông mà các tài liệu, sách báo của Đảng đã đến với thanh niên yêu nước trong làng, xã. Tháng 5-1940, tổ thanh niên phản đế Thuần Mỹ gồm 7 người được thành lập. Dần dần, phong trào cách mạng đã lan rộng ra các làng: Bách Lộc, Tuy Lộc, Trạch Lôi … Ngày 1-9-1940, Chi bộ Đảng xã Trạch Mỹ Lộc được thành lập với 3 đảng viên. Đây là chi bộ đầu tiên của huyện Tùng Thiện (cũ) và chi bộ thứ hai của tỉnh Sơn Tây (cũ). Đến năm 1946, phong trào cách mạng của xã Trạch Mỹ Lộc đã phát triển mạnh, Chính phủ cử cụ Tôn Đức Thắng về ở làng Thuần Mỹ để lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh Sơn Tây…
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp, xã Trạch Mỹ Lộc vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Phát huy truyền thống Anh hùng, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã lại bắt tay vào công cuộc xây dưng quê hương giàu đẹp, văn minh. Về với Trạch Mỹ Lộc, thăm nhà truyền thống của xã với những hình ảnh, tư liệu, hiện vật của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi hoạt động ở địa phương, được nghe những tấm lòng kiên trung, anh dũng theo Đảng mà còn được chứng kiến một miền quê đang vươn lên đổi mới toàn diện. Chắc chắn, truyền thống Anh hùng sẽ mãi là điểm tựa vững chắc để các thế hệ người dân Trạch Mỹ Lộc vững bước trên con đường xây dựng quê hương.
Thêm bình luận :