Đình Tuy Lộc thuộc thôn Tuy Lộc, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Đình Tuy Lộc còn có tên nôm là Đình Sáo, thờ Đức Thánh Tản - là người anh cả trong Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Tản Viên là vị thần cai quản dãy núi Ba Vì (núi Tản Viên), một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt, Đức Thánh Tản là một biểu tượng anh hùng văn hóa của dân tộc.
Theo truyền thuyết dân gian, Thánh Tản Viên (còn được gọi là Sơn Tinh) lấy công chúa Ngọc Hoa ( con gái Hùng Duệ Vương tức Hùng Vương thứ 18). Cuộc hôn nhân này đã đưa đến mối thù truyền kiếp, đó là: cuộc chiến tranh giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh. Sơn Tinh còn giúp Vua Hùng đánh giặc. Ông đi khắp mọi nơi dạy nhân dân làm ăn sinh sống như dạy dân làm ra lửa, dạy dân làm ruộng và mở hội, dạy dân săn bắn, dạy dân luyện võ, dạy dân dệt lụa, dạy dân múa hát...và ở vùng Tường Phiêu, Tuy Lộc, Tản Viên Sơn Thánh đã dạy dân kéo vó, đánh cá: Khi đi qua vùng sông Hồng, sông Tích, nước mênh mông, thấy dân chúng chỉ biết mò cá và úp cá, rất vất vả, Sơn Tinh bày cách cho họ kiếm dây để đan vó, vó có cần, vó có trục, vó có dây kéo. Nghề kéo vó từ đấy mới hình thành và phát đạt. Nhớ Sơn Tinh, dân có tục đánh cá thờ. Cá đánh được phải chọn con to nhất, góp làm cỗ cúng đức Thánh Tản.
Đình Tuy Lộc toạ lạc trên một thế đất đẹp, cao ráo nằm ở giữa làng, nhìn theo hướng chính tây. Đình có kết cấu hình chữ nhất, chỉ có 1 tòa Đại đình rộng lớn. Xưa kia, xung quanh có cây cối xum xuê, bốn mùa hoa trái, trước cửa đình không gian thoáng mát, hướng ra xa không bị khống chế tầm nhìn. Nối liền với ao đình chạy dài về phía Tây là cánh đồng lúa trải rộng mênh mông, cách đình về phía Tây không xa là con sông Tích được bắt nguồn từ chân núi Ba Vì uốn lượn chảy xuôi theo hướng bắc nam, nước con sông này tưới cho các cánh đồng lúa 2 bên bờ sông, đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân cả 1 vùng rộng lớn.
Ngôi đình hiện nay vẫn còn giữ được nhiều nét kiến trúc trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn và sau này. Đại đình Tuy Lộc có kết cấu 3 gian 2 chái lớn, 4 mái đao cong, mái lợp ngói ri cổ. Bờ nóc mái đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc là hai con kìm ngậm bờ lan. Bên trong Đại đình, bộ khung gỗ chịu lực chính được kết cấu trên mặt bằng 4 hàng chân cột, các cột đều được làm bằng gỗ lim vững chắc và được kê chân bằng những tảng đá xanh xẻ tròn trên bề mặt để phù hợp với tiết diện của cột. Gian giữa Đại bái được tạo một khám lửng, bên trong đặt long ngai, bài vị thờ thành hoàng. Khám lửng này được tạo tác khá công phu với một số mảng chạm phía mặt ngoài: đôi chim phượng chầu mặt trăng và đôi hạc đội rùa hai bên cánh, nghệ thuật chạm khắc thời Lê.
Đình Tuy Lộc hiện còn lưu giữ được một số di vật quí, là những thông điệp của lịch sử, qua đó khẳng định giá trị của ngôi đình đối với nhân dân trong vùng.
Để tri ân công đức của Đức Thánh Tản, hàng năm nhân dân trong làng mở tiệc Đình nhằm ngày 14 – 15 tháng Giêng - Âm lịch, hai năm mở một đại tiệc. Các giáp ( nay là các ngõ xóm) được phân công công việc cụ thể, dân làng cùng nhau tham gia quét dọn đường làng ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Đặc biệt, lễ hội dịp 14-15 tháng Giêng ở làng Tuy Lộc xưa còn tổ chức diễn trò “thủy chiến”, chính là một nghi thức để tưởng nhớ tới trận thủy chiến của đức thánh Tản Sơn Tinh với Thủy Tinh, cũng là trận thủy chiến của thánh Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên, Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.
Trải qua bao biến cố của thời gian, ngôi đình đã có nhiều hạng mục bị xuống cấp, thậm trí bị dỡ bỏ như nhà tả, hữu mạc, 2 cổng phụ và 2 trụ cổng chính, bệ tế, sân đình, ngưỡng cửa của sân đình. Theo các cụ cao niên truyền lại, vào đầu thế kỷ 19, ngôi đình đã được tu sửa lớn và vào những năm gần đây, với tấm lòng ngưỡng mộ và tôn vinh Đức Thánh, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nhân dân làng Tuy Lộc và bà con xa quê đã cùng nhau gia tâm, người góp của, người góp công để tu tạo. Năm 2020, Đình được nhà nước quan tâm tổ chức tu bổ tôn tạo lớn với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Sau gần hai năm triển khai tu bổ, tôn tạo, đến nay, đình làng Tuy Lộc đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng để đáp ứng nhu cầu về văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương.
Đình được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia tại quyết định số 511/QĐ – BVHTT- DL ngày 13/02/2015.
Thêm bình luận :