Chùa - Miếu Tuy Lộc thuộc thôn Tuy Lộc, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội. Chùa - Miếu Tuy Lộc được gọi theo địa danh của thôn Tuy Lộc, xã Trạch Mỹ Lộc. Chùa có tên chữ là “ Thiên Phúc Tự”. Trong hệ thống di tích hiện còn ở xã Trạch Mỹ Lộc, Chùa – Miếu Tuy Lộc là di tích có niên đại tạo dựng sớm vào khoảng từ thời Lê trải dài tới thời Nguyễn. Khuôn viên Chùa – Miếu Tuy Lộc được xây dựng trên khu đất với tổng diện tích 960m2. Các công trình kiến trúc của chùa bố cục (từ ngoài vào trong) gồm: cổng, sân, tam bảo. Bên trái ngôi chùa là ngôi miếu được dựng lên thờ Thiền sư Giác Hải - là người đã có công chữa bệnh cho nhân dân nơi đây và được dân tôn thờ đến ngày nay. Tiếp đến là ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu và dãy hành lang chùa, các hạng mục này được bố trí phía bên trái chùa. Các kiến trúc này được khuôn lại trong hệ thống tường bao khép kín.
* Chùa Tuy Lộc (Thiên Phúc Tự)
Cũng như những ngôi chùa khác, chùa Tuy Lộc được xây dựng với chức năng chính là thờ Phật. Là một công trình kiến trúc tôn giáo có quan hệ mật thiết với đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng cư dân làng xã. Với hệ thống giáo lý của Đức Phật từ bi, khuyến thiện, trừng ác. Quan niệm về luân hồi, nhân quả đạo phật thực sự đã đi vào lòng dân, gần gũi với đời sống tâm linh vốn hiền lành, nhân hậu của người Việt và có thời kỳ đã trở thành hệ tư tưởng chính thống của nhà nước phong kiến Việt Nam. Sự hiện diện của ngôi chùa đã góp phần tạo nên những truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương.
Chùa gồm các hạng mục kiến trúc: cổng, tiền đường, thượng điện, hành lang, sân vườn được xây dựng từ thời Nguyễn. Các di vật gỗ chạm của chùa rất phong phú: hương án, cửa võng, y môn, hạc thờ, ...tôn lên vẻ đẹp của kiến trúc ngôi chùa. Các pho tượng bài trí tại thượng điện và tiền đường thuộc thế kỷ XIX, một số pho tượng ở ban thờ Mẫu tạo tác chủ yếu vào đầu thế kỷ XX, tuy có niên đại muộn nhưng vẫn thể hiện được cái hồn cốt riêng. Nghệ thuật trang trí trên các di vật phản ánh khá sâu đậm thẩm mỹ, mong ước của người xưa về cuộc sống no đủ, sự hòa nhập giữa con người với thiên nhiên vũ trụ.
Đặc biệt, tại chùa Tuy Lộc hiện còn lưu giữ được 4 tấm bia “ Bản hương đăng khoa bi ký” và “ Bia Đăng Khoa bi ký” thời Nguyễn; bia “ Văn giáp tu bi” niên đại Thành Thái 12 ( 1900); bia “ Bản hương Đăng Khoa bi ký” có giá trị văn học, nghệ thuật chứa đựng những thông tin về lịch sử, kinh tế, xã hội.
Ngoài các dịp tuần tiết sóc vọng vào các ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng. Hàng năm tại di tích chùa Tuy Lộc thường diễn ra các kỳ lễ chính của Phật giáo: lễ Thượng Nguyên, lễ vào hè, lễ ra hè, lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan báo hiếu, báo ân (xá tội vong nhân), lễ tất niên, ngày Giỗ các vị tổ đã viên tịch – người có công tu giữ cảnh chùa.
* Miếu Tuy Lộc:
Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm hiện còn được lưu giữ tại di tích Miếu Tuy Lộc và hồi cố của các bậc cao niên trong làng thì Miếu Tuy Lộc thờ Thiền sư Giác Hải, là người họ Nguyễn (húy Nguyễn Viết Y, pháp hiệu Giác Hải tính chiếu đại sư). Thiền sư Giác Hải sinh năm thứ 15 – Giáp Tý, niên hiệu Thuận Thiên (1023), mất ngày mùng 4 tháng Giêng năm Thiệu Minh (1138) đời vua Lý Anh Tông, thọ 115 tuổi là người hương Hải Thanh, phủ Hải Thanh (thuộc huyện Xuân Trường – Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Thuở nhỏ làm nghề chài lưới, sống lênh đênh trên khắp sông hồ. Năm 25 tuổi, Sư dứt bỏ thế nghiệp xuất gia làm tăng, thờ thầy Hà Trạch ở chùa Diên Phước, Hải Thanh.
Nhân dân ta còn lưu truyền trong dân gian về công đức của đức thánh Thiền sư Giác Hải. Tương truyền khi cao tăng Thiền sư Giác Hải đi du ngoạn, qua nơi đây thấy người mẹ nghèo khổ và đứa con đang ốm yếu bệnh tật ở trong làng ra gặp cao tăng xin ban phúc. Thiền sư Giác Hải đã niệm thần trú làm phép, bảo người ấy lấy nước ở giếng thần uống. Từ đó, người mẹ có đủ sữa nuôi con, con ngoan, mẹ khỏe và từ đó nơi lấy nước ấy có tên là Giếng Sữa, nay vẫn còn dấu tích. Từ đó trở đi, người mẹ thiếu sữa, sức yếu đều lên Giếng Sữa xin nước để được thánh ban phúc.
Trước năm 1950, Miếu được dựng ở đầu làng phía bắc, trên một khu đất cao và thoáng, cổng miếu có mái cao, một cửa chính và hai cửa phụ. Tam quan là ngôi nhà ba gian rộng, xây hai đốc tường, bỏ trống mặt trước, mặt sau được chống đỡ bờ hai hàng cột bằng đá xanh tạo thành hình khối vuông, cột có chiều cao 2m. Tiếp đến là sân rộng lát gạch bát, xây bệ, bàn để hàng năm lễ thánh, phần sân phía dưới là nền đất cỏ để phục vụ những kỳ lễ hội làm nơi thi vật vào ngày mồng ba tết hàng năm. Qua sân rộng là hạng mục đại bái, có 4 góc mái đao cong, tiếp đến là hậu cung. Tuy nhiên, trong thời kỳ chiến tranh, ngôi miếu đã không còn. Với tấm lòng thành kính của người dân Tuy Lộc đối với đức Thành đã dựng lại ngôi miếu trên khuôn viên đất của chùa làm nơi thờ phụng.
Hiện tại, Miếu Tuy Lộc nằm phía bên trái chùa, có kết cấu kiến trúc chiều dọc gồm 1 gian hai chái với các bộ vì làm kiểu “thượng chồng rường, trung kẻ gối tường”. Gian giữa trên cùng tiền tế bài trí bức hoành phi “ Thượng đẳng tối linh từ” sơn son thếp vàng, phía trước là ỷ thờ, bên trên ỷ thờ bài trí các đồ thờ tự như: chân nến, ống hương, mầm bồng …Tiếp đến là hạng mục hậu cung, trên cùng treo bức hoành phi “Thánh cung vạn tuế” bên dưới bài trí ngai và bài vị của Thiền sư Giác Hải, hương án được sơn son thếp vàng, bên trên hương án bài trí các đồ thờ khác như: bát hương, cây nến, chóe, đài nước, hạc thờ.
Tại Miếu, lễ hội được tổ chức 3 ngày bắt đầu từ ngày mồng 3 đến mồng 5 tháng Giêng âm lịch. Từ năm 1945 – 1995 việc tổ chức lễ hội không được duy trì. Từ năm 1996 đến nay nhân dân thôn Tuy Lộc tổ chức mở lại lễ hội, hai năm mở tiệc lệ, đến năm thứ 3 mở tiệc chính (đại lễ).
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, Chùa và Miếu Tuy Lộc đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận di tích cấp Thành phố tại Quyết định số 1418/QĐ-UBND ngày 24/02/2017.
Thêm bình luận :