Giới thiệu di tích cấp Thành phố Đình An Phú xã Trạch Mỹ Lộc

14/09/2023 10:23

Đình An Phú còn có tên gọi là đình Xóm Sổ (là một trong những xóm của thôn Tuy Lộc) thuộc thôn Tuy Lộc, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội. Đình An Phú là di tích thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ( Trần Hưng Đạo). Ông tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh ngày 10 tháng Chạp năm 1228, mất năm 1300. Là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất và là nhà văn Việt Nam thời Trần. Ông được biết đến trong lịch sử Việt Nam với tài thao lược, trí dũng song toàn luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, cả 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông (1258, 1285, 1288) ông đều được các vua Trần giao quyền: “Quốc công Tiết chế” – Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Đại Việt, cản phá quân thù hung bạo cả 3 lần quân Nguyên Mông đều bị thất bại kinh hồn lạc phách, Toa Đô bị chém, Ô Mã Nhi, Phàm Tiếp, Tích Lệ Cơ bị bắt sống, Trấn Nam Vương Thoát Hoan chủ tướng phải chui đầu vào ống đồng để kéo qua biên ải mới thoát chết.

Đình An Phú, xóm Sổ, thôn Tuy Lộc ( tháng 9 năm 2023)

 

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là con trai An Sinh vương Trần Liễu, gọi vua Trần Thái Tông bằng chú ruột. Nguyên quán của ông ở tại Tứ Mạc, phủ Thiên Trường (nay là xã Tức Mạc - Mỹ Lộc - Nam Định). Ông là người có “dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người” và nhờ được những người tài giỏi đến giảng dạy mà ông sớm trở thành người đọc thông hiểu rộng, có tài văn võ. Trần Hưng Đạo trở thành võ quan nhà Trần vào tháng Chín năm Đinh Tỵ (1257). Ông giữ quyền “Tiết chế” để chuẩn bị chống lại cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông. Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300). Bình Bắc Đại Nguyên soái Hưng Đạo Đại Vương quy tiên hiển thánh hưởng thọ trên dương thế 73 tuổi, được vua Trần Anh Tông truy tặng: Thái sư Thượng phụ quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương, được muôn đời con dân Đại Việt - Việt Nam tôn là Đức Thánh Trần. Người được nhân loại suy tôn là danh nhân quân sự kiệt xuất từ cổ chí kim của thế giới.

Ông đã để lại Binh thư yếu lược”, “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, “Hịch tướng sĩ những kinh nghiệm, truyền thống, nghệ thuật quân sự đánh giặc của tổ tiên ta. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng Ngài dặn lại những người cầm quân, cầm quyền, với giặc phương Bắc cần “Giặc cậy trường trận ta dùng đoản binh”, với dân phải “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”, với việc giữ nước phải “chúng chí thành thành” nghĩa là ý chí đoàn kết của dân chúng là thành trì vững bền nhất. Các đạo sắc phong ca ngợi công lao của ông ở các nơi rất nhiều. Tại đình An Phú còn lưu lại 05 đạo sắc phong.

 

Đình An Phú được xây dựng vào thời Lê. Song trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngôi đình đã bị tiêu thổ, dấu vết kết cấu kiến trúc của ngôi đình xưa không còn. Ngôi đình hiện nay là sản phẩm của những lần phục hồi và tu bổ trong những thập niên gần đây. Hiện nay, Đình An Phú là một công trình kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Các cấu kiện gỗ chịu lực cho các hạng mục kiến trúc chủ yếu thiên về độ vững chãi cho công trình. Đình gồm một nếp nhà ngang ba gian 2 chái, tọa lạc trong không gian mở trên khoảnh đất thoáng đãng giữa làng, nhìn về hướng Tây Nam. Hiện nay, đình An Phú  có tổng diện tích là 868,0m2, xung quanh là khu dân cư quần tụ. Đình còn bảo lưu được các di vật di vật khá phong phú như  bát hương sứ, long ngai bài vị, ỷ thờ thời Nguyễn, câu đối - phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Lễ hội đình An Phú diễn ra trong ba ngày, từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 8 âm lịch, trong đó ngày 20 là ngày chính hội. Công việc chuẩn bị cho lễ hội được dân làng tiến hành chu đáo và chặt chẽ. Lễ mộc dục, được bắt đầu vào ngày 17 tháng 8. Vào những năm chính tiệc có tế khai hội, kết thúc có tế giã. Những năm thường, không tổ chức tế, chỉ tổ chức dâng lễ. Phần hội có các trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co, thổi cơm thi,.... Buổi tối có gánh hát chèo phục vụ nhân dân tại sân đình. Trong quá trình dâng lễ vào đình đều do cụ sái đảm trách (Cụ Sái là người có trách nhiệm quan trọng, trực tiếp chăm lo hương khói, phụng thờ trong đình, là những người lớn tuổi, các bậc trưởng lão trong làng, được dân tin trọng, am hiểu biết lịch sử và các nghi lễ, phụng thờ). Khi dân làng vào làm lễ, trong nội tự không được nói to, ồn ào; phụ nữ tuyệt đối không được đi qua cửa chính hoặc vào bên trong nội tự.

Với các giá trị về di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh ngày 24/02/2017 Đình An Phú được UBND Thành phố Hà Nôi xếp hạng di tích lịch sử cấp Thành phố tại Quyết định số 1419/QĐ-UBND.

Thêm bình luận :