Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2023): Tự hào người chiến sỹ Điện Biên
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã trở thành một trong những chiến công chói lọi, như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX trong lịch sử dân tộc; là kết quả sự hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó có bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Khi đó, cả dân tộc ta cùng ra trận với khí thế sôi sục “Dù bom đạn xương tan, thịt nát, không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Khí thế ấy đặc biệt kết tinh, tỏa sáng ở những người chiến sỹ Điện Biên - biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, ý chí anh dũng, kiên cường.
Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng núi Tây Bắc, có chiều dài khoảng 20 km, rộng từ 6-8km; cách Hà Nội 200km, cách Luang Prabang (Lào) 190km theo đường chim bay. Theo các nhà quân sự Pháp - Mỹ thì Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền biên giới của Lào, Thái Lan, My-an-ma và Trung Quốc, một cánh đồng rộng lớn nhất, đông dân và giàu có nhất vùng Tây Bắc. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong những năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của ta.
Đánh giá đây là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nên sau khi đánh chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20 tháng 11 năm 1953, quân Pháp không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương, một “pháo đài bất khả xâm phạm”.
Về phía ta, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cả nước đã dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 quân. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Trên 260.000 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch... Đến đầu tháng 3 năm 1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn thành.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm 3 phân khu. Trên chiến trường, ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ. Đợt 1 của chiến dịch mở màn ngày 13 tháng 3 năm 1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt 2 diễn ra ngày 30 tháng 3 năm 1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt 3 chiến dịch diễn ra ngày 1 tháng 5 và kết thúc ngày 7 tháng 5 năm 1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Năm mươi sáu ngày đêm chiến đấu gian khổ là “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”.
Điện Biên - nơi chúng ta với sức người kéo pháo vào trận địa, có chỗ phải vượt qua núi cao 1.450m, kéo pháo lội qua dòng suối chảy xiết do mưa rừng đổ về. Mặc cho trời rét căm căm, mặc cho núi cao, đèo dốc, vực thẳm, rừng chằng chịt, các chiến sĩ Điện Biên vẫn kiên cường kéo pháo.
Điện Biên - nơi chúng ta thực hiện thay đổi phương án tác chiến, từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”, vẫn những người chiến sỹ ấy với niềm tin chắc thắng đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên, kéo pháo vào lại kéo pháo trở ra, khẳng định bài học về sự quyết đoán và nắm chắc thời cơ của người chỉ huy, sự đoàn kết và tính kỷ luật của các chiến sỹ.
Điện Biên - Chiến trường nơi chúng ta chứng kiến những đợt tiến công dai dẳng, dài ngày, quyết liệt, gay go, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào.
Trải qua bao cam go, gian khổ, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại. Lịch sử ghi danh những tấm gương quên mình vì nước của người chiến sỹ Điện Biên: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Trần Can và nhiều chiến sỹ khác. Các anh đã không tiếc tuổi xuân, hy sinh xương máu để lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy tướng Đờ Cát trong chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, báo hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng!
Chiến sỹ Điện Biên, những người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đã tạc nên tượng đài chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc, một sự kiện lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Những người lính chân trần chí thép, bằng lòng yêu nước, ý chí can trường, kiên trì, bền bỉ, thông minh, sáng tạo đã chiến thắng những phương tiện, vũ khí tối tân của một trong những đạo quân viễn chinh xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế giới, đập tan một mắt xích quan trọng trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các thế hệ hôm nay và mai sau mãi tự hào, vinh danh những chiến sỹ Điện Biên năm xưa và những người tham gia kháng chiến chống Pháp, bảo vệ Tổ quốc. Họ đã viết nên trang sử hào hùng của dân tộc. Họ đã làm nên đất nước./.
Thêm bình luận :