Thưa quý vị và các bạn!
Thời gian qua, trên địa bàn xã Trạch Mỹ Lộc cũng như các địa phương khác trên cả nước thường xuyên xảy ra tình trạng chăn thả gia súc, động vật nuôi thả rông ngoài đường và tại những nơi công cộng, gây cản chở giao thông, mất trật tự mỹ quan, ô nhiễm môi trường và đã gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.
Trên nhiều tuyến đường giao thông ngõ xóm, thậm chí đường tỉnh lộ, đường liên thôn liên xã, tình trạng thả rông gia súc, gia cầm, vật nuôi vẫn đang phổ biến và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhiều tai nạn giao thông đáng tiếc đã xảy ra do người tham gia giao thông va quệt, không phản ứng kịp khi gia súc ngang nhiên đi trên đường. Nhiều gia đình chăn thả trâu bò, thả rông chó mèo phóng uế nơi công cộng ra đường làng ngõ xóm gây mất vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, tình trạng thả rông chó của người dân không những tạo cơ hội cho các đối tượng trộm cắp chó ra tay hoạt động mà việc thả rông chó dẫn đến gây thương tích cho người, thậm chí là cắn chết người cũng là một tình trạng đáng báo động hiện nay.
Sau đây, Ủy ban nhân dân xã Trạch Mỹ Lộc thông tin tới quý vị và các bạn một số quy định của Nhà nước đối với chủ nuôi chó, mèo:
1. Theo Nghị định số 46/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
- Không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố, phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng
- Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới, phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng
- Để súc vật đi trên đường bộ, để súc vật đi trên đường không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông, phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng
- Để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển, phạt Từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng
- Dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ, phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng
- Chăn dắt súc vật ở mái đường; buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, rào chắn, các công trình phụ trợ của giao thông đường bộ, phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng
2. Theo quy định tại Thông tư 07/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.
- Phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó và có người dắt.
- Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh; chấp hành tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định.
- Đồng thời, chủ nuôi phải chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng nêu rõ, nếu nuôi thú cưng, chó mèo thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, để chó mèo phóng uế nơi công cộng thì sẽ bị xử phạt.
- Trong trường hợp phát hiện các hộ nuôi thú cưng, chó mèo thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, để chó mèo phóng uế nơi công cộng, Chi cục chăn nuôi và Thú y cho biết người dân cần báo cho chính quyền địa phương, cụ thể là UBND xã xã để xử lý các trường hợp vi phạm.
3. Theo Điều 7 Nghị định 144/2021 của Chính phủ về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 (sửa đổi bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020 của Chính phủ) chủ vật nuôi có thể bị xử phạt 1.000.000-2.000.000 triệu đồng nếu có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng, không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm. Thẩm quyền xử phạt thuộc UBND và Trưởng công an cấp xã, phường.
Thưa quý vị và các bạn!!!
Nhằm từng bước xây dựng xã Trạch Mỹ Lộc sáng, xanh, sạch, đẹp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, sức khỏe và tính mạng con người, gìn giữ cảnh quan môi trường công cộng, bảo vệ cây xanh, lập lại trật tự mỹ quan trên địa bàn xã.
Ủy ban nhân dân xã Trạch Mỹ Lộc đề nghị để các tổ chức, cá nhân và nhân dân thực hiện tốt các nội dung:
- Nghiêm cấm không được thả rông chó ra đường, động vật nuôi nơi công cộng, khu dân cư, trụ sở các cơ quan đóng trên địa bàn thị xã.
- Các chủ sở động vật nuôi hiện đang thả rông tại các đơn vị khối trên địa bàn phải tự thực hiện việc nuôi nhốt, chăn thả theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Phải xích hoặc nhốt, giữ chó trong khuôn viên gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
- Chấp hành tiêm phòng vacxin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định;
- Chịu mọi chi phí trong trường hợp chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó cắn người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.