HƯỚNG DẪN Biện pháp phòng trừ chuột đầu vụ Mùa năm 2024

17/06/2024 10:00

 Chuột có khả năng sinh sản rất nhanh, khả năng thiết lập quần thể rộng, có khả năng di chuyển rộng, rất đa nghi, hay nhát bả, sợ mồi do thính giác, khứu giác và vị giác rất phát triển.

 Răng cửa của chuột dài ra liên tục do đó chuột phải gặm nhấm, đào bới… liên tục để mài mòn răng cho nên thiệt hại do chuột gây ra lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu thức ăn của chuột.

          Một số biện pháp phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất.

        Căn cứ vào đặc tính sinh học của chuột và điều kiện cụ thể để phòng trừ chuột hiệu quả cần tiến hành thường xuyên và áp dụng tổng hợp các biện pháp để diệt chuột.

        I. Biện pháp canh tác.

         - Vệ sinh đồng ruộng: Phát quang bờ bụi, ruộng bỏ hoang, làm sạch cỏ ven bờ, tìm và phá ổ chuột ngay từ đầu vụ, thu dọn rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế nơi cư trú của chuột.

         - Thời vụ: Cần xác định thời vụ thích hợp, ở những vùng thường bị chuột hại nặng cần gieo trồng và thu hoạch đồng loạt. Cắt đứt nguồn thức ăn để chuột đói và dễ dàng ăn mồi bả hơn.

        1. Biện pháp vật lý, cơ học ( thủ công).

         Đây là biện pháp diệt chuột hiệu quả cao nhất. Tổ chức diệt chuột đồng loạt, trên diện rộng, huy động mọi lực lượng: nông dân, các tổ chức đoàn thể…tham gia. Có thể áp dụng một số biện pháp để bắt chuột như sau:

        - Dùng đèn để soi bắt chuột vào ban đêm.

       - Đào bắt, hun khói hoặc đổ nước vào hang chuột cho chuột chạy ra và dùng đơm, đó,… để bắt.

        - Thời gian tổ chức các đợt đào bắt chuột:

        + Giai đoạn chuyển tiếp giữa các vụ sản xuất (khi đồng ruộng không có lúa), tốt nhất ở thời kỳ đổ ải, làm đất đồng loạt.

        + Khuyến khích nông dân đào bắt chuột vào giai đoạn lúa làm đòng (là thời kỳ chuột cái đẻ và nuôi con tăng hiệu quả diệt chuột) và giai đoạn sau thu hoạch.

        - Sử dụng bẫy bán nguyệt, bẫy lồng, bẫy dính, bẫy ống tre, … căn cứ vào đặc tính của chuột và thời điểm thích hợp trên đồng ruộng (cánh đồng do bị ngập lụt, ruộng sau thu hoạch, vào đầu các vụ sản xuất khi lấy nước làm đất,...chuột sẽ bị hết thức ăn và thu hẹp nơi cư trú); khi sử dụng bẫy phải đặt ngay trên lối đi của chuột và nơi chuột gây hại.

        3. Biện pháp sinh học.

         Bảo vệ, không săn bắt các loài động vật là thiên địch của chuột như mèo, rắn, chim cú mèo, chim lợn,…

        Khuyến khích phát triển đàn mèo, chó để săn bắt chuột.

         Sử dụng một số chế phẩm sinh học, thuốc có tác dụng gây bệnh và lây bệnh trong đàn chuột.

       4. Biện pháp hóa học.       

        Sử dụng bả, thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với người, vật nuôi,… bao gồm một trong các loại thuốc như: RatK2%DP, RanPart 2%DS, cat 0,25WP, Broma 0,005AB,…..

        Chỉ dùng thuốc hóa học khi chuột phá hại và tuân thủ nghiêm ngặt an toàn. Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng.

        Cách đặt bả: Đặt bả vào lúc chiều mát trước khi trời tối, tránh trời mưa. Bổ sung mồi bả vào chiều tối ngày hôm sau nếu chuột ăn hết mồi bả, nên đặt bả liên tục từ 3-5 đêm liền. Đặt bả thành mô trên đường đi lại của chuột, gần cửa hang, nơi chuột đang phá hại, bờ mương,…Khoảng cách các mô bả tùy theo mật độ chuột trên đồng ruộng.

        Người trực tiếp trộn thuốc và đặt bả phải sử dụng bảo hộ lao động như đeo khẩu trang, găng tay. Thu xác chuột chết để tiêu hủy không làm ảnh hưởng đến nguồn nước,…

        Lưu ý: Căn cứ vào điều kiện sản xuất thực tế, các địa phương chủ động tổ chức diệt chuột bằng các biện pháp (canh tác, thủ công, sinh học, hóa học) trên những diện tích chuột thường xuyên gây hại (gò đống, ven đường lớn, ven làng,..) để bảo vệ sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng.

Thêm bình luận :