Cây có múi nói chung, cây bưởi nói riêng chúng ta cần thu hoạch đúng thời điểm, vừa đảm bảo chất lượng của quả, vừa tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch quả, phải thực hiện một số biện pháp chăm sóc như sau:
- Cắt tỉa cành, vệ sinh đồng ruộng.
Sau khi thu hoạch cần thu dọn sạch tàn dư: cành khô, lá rụng và cỏ dại trong vườn bưởi đem tiêu hủy nhằm loại bỏ mầm bệnh, trứng sâu hại.
Tiến hành cắt tỉa những cành răm, cành khô, cành nhiễm sâu bệnh, những cành không có lá nằm trong tán lòe xòe. Cắt loại bỏ những cuống quả sót lại từ vụ trước để tránh lây lan sâu, bệnh gây hại sang mầm mới, tạo độ thông thoáng cho cây thuận lợi quang hợp. Việc tỉa cành nên tiến hành vào ngày nắng ráo, tránh ngày mưa, tỉa vào lúc sáng sớm khi sương vừa tan là tốt nhất.
- Bón phân, tưới nước cho cây.
- Bón phân:
Sau khi thu hoạch cây rất cần bổ sung dinh dưỡng do vụ trước đã tiêu hao nhiều dinh dưỡng cho quả và cành lá.
Thông thường, với cây bưởi đã cho thu hoạch thì là bưởi trồng được 4 - 6 năm. Do đó có thể bón các loại phân với liều lượng như sau:
+ Đối với phân chuồng hoai mục: 20 - 30 kg/cây.
+ Phân NPK 5-10-3: Bón 1,5 - 2,0 kg/cây (hoặc NPK 16-16-8 tùy loại đất)
+ Phân Super lân: 0,5 kg/cây
+ Phân đạm ure: 0,5 kg/cây
+ Vôi bột: 0,5 kg/cây ( Rải đều trên mặt đất quanh gốc cây).
Các loại phân trên cần xới một lớp đất cách gốc cây 0,5 - 0,7 m để bón, sau đó lại lấp một lớp đất lên để cây hấp thụ dinh dưỡng dễ dàng, tránh bốc hơi hoặc rửa trôi phân bón. Hoặc đào rãnh rộng bằng tán cây, rải phân rồi lấp đất lên.
- Tưới nước:
Sau thu hoạch cũng là mùa khô, ít có mưa nên cây trồng cần tưới nước để đủ ẩm đồng thời phân dễ hòa tan cho cây hấp thụ.
Có thể tưới bằng vòi phun hoa sen, tưới xung quanh gốc cây. (Không tưới trực tiếp vào gốc hoặc trên lá để tránh thối gốc và rụng lá). Có thể phủ rơm, rạ quanh gốc bưởi để giữ ẩm và bổ sung mùn.
- Phòng trừ dịch hại.
Sau khi vệ sinh vườn ruộng thu dọn sạch tàn dư và cỏ dại, cắt tỉa cành tạo tán, bón phân cho cây bưởi chúng ta cần thực hiện thêm một số thao tác sau nhằm hạn chế tác hại của sâu bệnh hại:
Vệ sinh sạch gốc cây, thân và các cành to. Pha nước vôi bột, quét quanh gốc, trên thân để hạn chế rệp sáp và sâu đục thân, cành.
Thường xuyên kiểm tra các đối tượng sâu bệnh hại để thực hiện phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Đồng thời cắt tỉa tạo tán khi cây bưởi ra nhiều chồi lộc non.
Ngoài các biện pháp trên chúng ta có thể sử dụng các biện pháp hãm hoặc kích lộc đông, kích hoa,… tùy thuộc vào điều kiện thực tế tại các vườn./.
Thêm bình luận :