Bài tuyên truyền Phòng chống cháy nổ

18/05/2023 16:05

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung xảy ra rất nhiều các vụ cháy nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong tháng 4/2023 chỉ trong vòng 10 ngày trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã xảy ra 04 vụ cháy gây thiệt hại về tài sản và rất may không thiệt hại về người. Vụ cháy tại gia đình ông Nguyễn Minh Tuyên ở TDP số 6 - Thị Trấn Phúc Thọ ngày 14/4/2023, đám cháy xảy ra vào lúc nửa đêm lúc mọi người đang ngủ nên đánh cháy đã bùng phát dữ dội thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà cấp 4 và 01 phòng ngủ, rất may vụ cháy không thiệt hại đến người. Vụ cháy tại văn phòng của Cụm công nghiệp Công giấy rượu xảy ra vào lúc giờ nghỉ trưa ngày ngày 21/4/2023 rất may đã được bảo vệ khống chế kịp thời không để lan vào các khu vực kho xưởng bên trong, không thì đám cháy sẽ rất khó lường. Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết nắng nóng nhu cầu con người sử dụng điện cao dễ dẫn đến nguy cơ gây cháy, nổ; để đảm bảo an toàn về PCCC, Công an huyện Phúc Thọ khuyến cáo người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở; chủ hộ gia đình và người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Đối với nhà ở gia đình, nhà dạng ống, nhà liên kế, chia lô: Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các ban công, logia của nhà; tầng sân thượng, mái phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái đồng thời cần bố trí lối có thể sang được mái của nhà bên cạnh. Không nên tồn chứa xăng, dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần thiết thì chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng và bảo quản nơi thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt.

2. Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chứa hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ nên bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt, bắt buộc phải có 02 lối thoát nạn.

3. Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp: Hết giờ làm việc, sản xuất, kinh doanh phải kiểm tra đóng ngắt toàn bộ các thiết bị tiêu thụ điện, cầu dao và attomat chính. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, bảo dưỡng lại toàn bộ các trang thiết bị phương tiện PCCC đã trang bị và có phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, kế hoạch cụ thể phân công đủ lực lượng thường trực bảo vệ, tuần tra canh gác và chữa cháy 24/24h tại cơ sở;

4. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt: Khi đun nấu, thắp hương thờ cúng…, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn cắt…(gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt) phải có người trông coi;

5. Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như: tủ điện, ổ cắm điện…) ít nhất 0,5m;

6. Hệ thống điện cần được thiết kế, lắp đặt bảo đảm đủ công suất cấp cho các thiết bị sử dụng, có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ (cầu dao, cầu chì, aptomat…) cho hệ thống điện chung tòa nhà, từng tầng, nhánh và thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn (điều hòa, bình nóng lạnh…). Cầu dao, aptomat lắp đặt tại vị trí thuận tiện cho việc ngắt điện. Khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện, cần tính toán tránh gây quá tải; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà…;

7. Đầu tư lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm như báo cháy tự động, báo rò rỉ khí gas, thường xuyên kiểm tra ống dẫn gas, van khóa, van an toàn để kịp thời thay thế khi van hư hỏng. Vị trí đặt bình gas, bếp gas cần bảo đảm thông thoáng và không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt…. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Trang bị phương tiện phá dỡ để mở lối thoát nạn; mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói.

8. Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, lô gia, sân thượng, lên mái, sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống bằng thang dây.

9. Khi đến những nơi tập trung đông người cần thực hiện đầy đủ nội quy, quy định về PCCC, quan sát những nơi đặt bình chữa cháy, biển chỉ dẫn thoát nạn, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

10. Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra hãy bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho mọi người biết để mau chóng di chuyển ra ngoài qua lối thoát nạn an toàn hoặc qua lối lên mái, ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống bằng thang dây, dù cháy to hay cháy nhỏ phải báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp - Công an thành phố theo số điện thoại 114 ( chữa cháy người dân, doanh nghiệp không phải trả tiền). Trong quá trình di chuyển dùng khăn thấm ướt che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói./.

11. mỗi hộ gia đình nên trang bị 01 đến 2 bình chữa cháy để kịp thời chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Để  bảo vệ tính mạng, tài sản cho gia đình và người thân.

Thêm bình luận :